Ngày 15/10/2020, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, được coi là cao tốc phía Tây vùng ĐBSCL chính thức được thông xe kỹ thuật sau hơn 4 năm thi công nhờ sự quyết tâm cao của chủ đầu tư và các nhà thầu trong thời gian vừa qua.
Tăng tốc về đích đúng tiến độ
Với tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, dự án được chia thành 2 gói thầu CW1 (TP Cần Thơ) có chiều dài 24,17 km và CW2 (tỉnh Kiên Giang) có chiều dài 27,3 km.
Là một trong những nhà thầu tham gia dự án, Công ty CP FECON tham gia gói thầu CW2, đoạn Km33+940 - Km40+000 (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) và đoạn Km43+666 - Km48+522 (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Thời gian thi công bắt đầu từ tháng 2/2019.
Theo ông Tạ Công Thanh Vinh – Phó Tổng Giám đốc FECON, ngay sau khi trúng thầu, FECON đã nỗ lực từng ngày nhằm hoàn thành các hạng mục của gói thầu trong điều kiện công địa nhiều khó khăn và sức ép về tiến độ, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư nói riêng và mong mỏi của người dân các tỉnh miền Tây có dự án đi qua nói chung.
Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là dự án cao tốc trọng điểm quốc gia
Đại diện chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đánh giá FECON là một trong những nhà thầu chứng minh được năng lực xuất sắc tại dự án, đã gỡ nhiều bài toán khó về công địa trong thời gian thi công tương đối gấp rút. Đó là lý do chủ đầu tư liên tục tin tưởng giao FECON đảm nhiệm nhiều gói thầu so với gói thầu 3km như ban đầu.
"Nhờ năng lực thi công đã được khẳng định tại dự án, FECON tiếp tục trúng gói thầu thi công cầu vượt dân sinh tại kinh 17 trên tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, góp phần hoàn thiện một trong các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia", đại diện nhà thầu FECON cũng cho biết thêm.
FECON dồn lực thi công, đưa dự án hoàn thiện đúng tiến độ
Khẳng định năng lực thi công hạ tầng từ thế mạnh vượt trội về nền, móng và ngầm
Dựa trên năng lực vượt trội trong lĩnh vực thi công nền, móng và công trình ngầm, FECON đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam. Trong đó, thi công hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là hai mũi nhọn của FECON nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đề ra.
FECON đã để lại dấu ấn tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tiêu biểu phải kể đến Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Phủ Lý, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cao tốc HCM Long Thành – Dầu Giây... Tại dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Phủ Lý, FECON cũng đóng vai trò là nhà đầu tư liên danh cùng đối tác Nexco Central – một tập đoàn hàng đầu về đường cao tốc đến từ Nhật Bản.
Dự án hạ tầng giao thông do FECON đảm nhận hai vai trò nhà đầu tư và nhà thầu
Trong mảng hạ tầng đô thị, sau khi trở thành nhà thầu Việt Nam đầu tiên trực tiếp tham gia vận hành robot TBM khoan hầm tại dự án Metro Line 1 thành phố Hồ Chí Minh, FECON tiếp tục trúng các gói thầu lớn tại dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội (Metro Line 3). Tại dự án này, FECON đảm nhiệm gói thầu thi công đường hầm đoạn Voi Phục – Trần Hưng Đạo và gói thi công xử lý nền bằng Phương pháp khoan phụt vữa đường kính lớn và toàn bộ công tác vận hành đào đường hầm bằng Robot TBM với tổng giá trị gần 1000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, FECON cùng liên danh nhà thầu Cienco 4 và Vĩnh Hưng đã trúng gói thầu thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3, một trong những dự án giao thông đô thị trọng điểm của thành phố Hà Nội.
Tại thị trường quốc tế, FECON đã có những dấu ấn đầu tiên khi tham gia một số dự án như Dự án mở rộng cảng Thilawa và dự án cầu Bago tại Myanmar, dự án đường sắt Bắc Nam thủ đô Manila (Phillipines). Hiện nay, FECON cũng đang nghiên cứu dự án đường cao tốc tại quốc đảo này.
Đại diện lãnh đạo FECON cho biết thị trường trong nước đầy triển vọng và thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Philippines, Campuchia, Bangladesh… cũng đầy tiềm năng đối với các nhà thầu Việt Nam. FECON sẽ phát huy thế mạnh về xử lý nền đất yếu, thi công móng, công trình ngầm để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường xây dựng hạ tầng, giúp công ty vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và sẵn sàng bứt phá sau đại dịch.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có chiều dài 51km, bắt đầu từ điểm cuối cầu Vàm Cống, (TP. Cần Thơ) chạy đến TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) gồm có 4 làn xe ô tô lưu thông, mặt đường rộng 17m. Trên tuyến có 27 chiếc cầu bề rộng bằng mặt đường, một số vị trí thiết kế cầu vượt đi qua. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá dự án là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế của ĐBSCL đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời cũng biểu dương các nhà thầu, tư vấn giám sát, các cán bộ, kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm thực hiện để hôm nay dự án đủ các điều kiện thông xe kỹ thuật. |
Bình luận